doc truyen tranh, danh ba website, sua cua cuon, sua cua cuon,
Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
BIẾT – HIỂU VÀ VẬN DỤNG LUẬT
Tôi viết bài này cho các bạn đang tập sự (Luật sư tập sự – Civillawinfor), để bạn biết mình đang ở mức độ nào trong nghề nghiệp của mình và biết phải trau dồi thêm về mặt nào trong 18 tháng “vác củi” này. Công việc của luật sư là vận dụng luật để tư vấn hay bào chữa; nhưng để làm được việc đó bạn phải đi qua hai bước là biết và hiểu luật. Vậy ta sẽ đi từ đầu.

I. Biết điều “bí mật” của luật pháp

Mục đích chính của luật pháp là duy trì trật tự xã hội theo một đường lối chính trị nào đó (thể chế chính trị) để cho mọi người sống an tâm. Trong tâm lý của mình, con người cần sự an tâm để sống và làm việc cho ngày hôm nay; lo toan cho ngày mai và tạo dựng tài sản để sử dụng cho mình bây giờ và cho con cái sau này. Các nhu cầu ấy của họ phải được bảo vệ. Và luật pháp làm việc đó. Để làm, nó có một cách làm hay có một kỹ thuật, và kỹ thuật này được các nhà soạn thảo luật sử dụng khi soạn luật.

Kỹ thuật kia, đối với một số bạn, nó là còn là một bí mật; vì nó có đấy nhưng các bạn chưa để ý! Còn các vị đàn anh của các bạn thì họ biết nó rõ như biết bàn tay của mình (không phải là biết vân tay đâu!)

Khi đọc một văn bản quy phạm pháp luật, ta thấy chúng thường bắt đầu bằng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Phạm vi là các vấn đề, sự việc, công việc… mà luật điều chỉnh; còn đối tượng là người thực hiện các công việc đó và luật cũng chi phối họ luôn. Đó là hai kỹ thuật mà luật sử dụng. Biết chúng bạn sẽ hành nghề dễ dàng. Và đó là “biết luật”. Ta đi vào từng cái.

A. Ấn định trách nhiệm

Khi sống thì con người, chậu hoa, con chó hay cái xe… đều có thể gây thiệt hại cho người khác. Vì thế, luật pháp phải ấn định trách nhiệm cho mỗi thứ ấy. Trách nhiệm sẽ buộc anh A phải đền cho anh B, khi làm B bị thiệt hại, và mục đích của đòi hỏi ấy là lập lại trật tự đã bị vi phạm.

Thí dụ, bạn – là B – đang quét sân trước cửa nhà mình, thì gió thổi làm cho chậu hoa của người hàng xóm – là A – rơi vào đầu bạn. Bạn bị chảy máu đầu rồi thấy nhức đầu. Trước lúc chậu hoa rơi, bạn lành lặn, không đau đớn chỗ nào. Đấy là trật tự đã có. Khi chậu hoa rơi vào đầu bạn thì trật tự kia đã bị vi phạm. Vậy ông A phải đền tiền cho bạn để đi khâu chỗ da bị rách; uống thuốc cho hết đau…; nghĩa là lập lại cái trật tự đã bị vi phạm. Trách nhiệm của A được luật gọi là trách nhiệm dân sự. Đến đây, bạn sẽ bảo tôi: “Cái này tôi biết thừa rồi!” Tôi nhắc nó lại ở đây để bạn nhớ trách nhiệm là gì, nó phục vụ ai và mục đích gì. Tôi đã thấy câu “chịu trách nhiệm trước pháp luật” ở mẫu hợp đồng công chứng (dân sự) nên nhân thể nhắc các bạn đừng phạm như người đứng ra làm… mẫu cho ta.

Trên cuộc đời này có nhiều trật tự lắm và chúng nằm trong những lãnh vực khác nhau. Thí dụ, trật tự trong buôn bán, thuê nhà, làm việc, vay mượn tiền, sử dụng điện thoại, đầu tư, môi trường… Mỗi việc đó được luật gọi là hành vi bị điều chỉnh; nhưng nó là một giao dịch trong cuộc sống hàng ngày. Và ta sẽ gọi nó như thế. Trong sách vở, giao dịch được gọi là quan hệ xã hội, mối tương quan pháp lý… Tuy ba nhưng mà một. Khi nói chuyện với khách, bạn phải thoát khỏi sách vở để nói cho họ dễ hiểu. Bạn không thoát được sách vở thì bạn chưa biết luật! Và sợ nói sai.

Trong mỗi giao dịch có ít ra hai người can dự, và người nọ có thể gây thiệt hại cho người kia. Để mỗi giao dịch diễn biến suôn sẻ, đạt được mục đích của các bên; luật quy định nội dung giao dịch (gọi là hành vi điều chỉnh) và mỗi bên can dự phải làm gì (đối tượng điều chỉnh). Chuyển ra thực tế thì khi một bên làm, bên kia được hưởng; vậy bên làm có trách nhiệm, còn bên hưởng có quyền lợi; cả hai bên đều có những trách nhiệm và những quyền lợi nhất định. Ai không thực hiện trách nhiệm của mình thì người ấy làm thiệt hại người kia. Thí dụ, trong hợp đồng mua bán tài sản, bên mua không trả tiền thì bên bán bị thiệt hại. Và trong thực tế bạn biết người sau sẽ làm gì. Luật pháp từ chữ nghĩa chuyển sang thực tế là như thế. Bạn cần nhớ “cặp đôi” này vì nó là bước đầu để vận dụng luật pháp.

Luật ấn định đối tượng điều chỉnh tức là định ra người thực hiện giao dịch. Từ đó – trong thực tế – mỗi người có một “tư cách”. Và ở trong mỗi tư cách, người ta có trách nhiệm lẫn quyền lợi. Bạn nhớ, trách nhiệm của người này tạo nên quyền lợi cho người kia. Ấn định “tư cách” là một kỹ thuật của luật pháp.

Danh từ “tư cách” trong luật khác ý nghĩa với “tư cách” trong luân lý. Cái trước là vị trí của mỗi người trong một giao dịch; cái sau là cách thức cư xử hay hành vi của một người nhất định (có triết gia gọi là cử thái, tiếng Anh là “behavior”). Tư cách theo nghĩa luân lý cho biết một người nào đó có đàng hoàng, đứng đắn hay không. Thí dụ như bạn nói “Ông ấy có tư cách”. Thế nhưng cũng nói câu y chang trong lãnh vực luật pháp thì nó có ý nghĩa ông ấy ở trong một vị trí nhất định và có quyền lợi và nghĩa vụ phù hợp. Khi học ở trường luật, tư cách của một người được gọi là “địa vị pháp lý”. Từ ngữ này cho thấy bạn đứng từ ngoài và nói về một người khác không dính dáng gì tới bạn.
Khi hành nghề ta phải đi tìm tư cách của khách hàng mình trong giao dịch liên quan, để xác định trách nhiệm rồi quyền lợi của họ. Đó là “lợi ích hợp pháp” của họ mà họ thuê bạn… bảo vệ. Bạn dùng danh từ “tư cách” thì dễ nhập vào làm một với họ trong suy nghĩ của mình.

B. Quy định giao dịch

Giao dịch xuất phát từ hai nguồn gốc. Một là sinh hoạt tự nhiên của dân chúng trong xã hội như buôn bán, làm nhà, chơi hụi, sinh con đẻ cái. Hai là những hoạt động do luật pháp đặt ra hay thiết lập vì chúng cần thiết cho sinh hoạt của xã hội, nhưng chưa tồn tại, hay chỉ mới manh nha trong thực tế. Thí dụ, trước năm 1987, ở ta không có người nước ngoài đầu tư; sau đó Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và lập ra công ty liên doanh. Sau này luật thiết lập thị trường chứng khoán rồi sàn giao dịch bất động sản…

Về các sinh hoạt tự nhiên vốn đã có từ lâu trong đời sống xã hội, thì luật pháp “điều chỉnh” chúng; nghĩa là luật xác định chúng; bằng cách định nghĩa chúng là gì, thực hiện thế nào; các bên liên quan làm gì, trách nhiệm ra sao… Thí dụ Bộ Luật Dân sự năm 1995 của ta (LDS).

Đối với các giao dịch chưa có hay mới manh nha xuất hiện trong đời sống xã hội, thì luật đặt ra chúng rồi điều chỉnh chúng giống như các hoạt động đã có sẵn. Tuy nhiên, trong trường hợp này luật thường dễ thay đổi để cho phù hợp với cuộc sống hơn, hay để đáp ứng với các điều kiện mới.

Luật xác định hay đặt ra các giao dịch theo nhu cầu của cuộc sống; nhưng các luật gia luật phân loại chúng thành quy phạm, chế định, ngành luật tạo để nên hệ thống luật, hầu giúp chúng ta dễ nhớ khi học.

Tóm lại, hai kỹ thuật luật pháp sử dụng là đặt ra các giao dịch, rồi ấn định tư cách của các người thực hiện giao dịch đó. Và đó là chữ nghĩa.

C. Luật đi vào cuộc sống

Trong cuộc sống hàng ngày mỗi người có nhiều tư cách. Thí dụ, ở nhà với bố mẹ, ông A là con (Luật Hôn nhân gia đình; quan hệ huyết thống); đến trường dạy học ông ta là thầy giáo, hiệu trưởng (Luật Giáo dục, quan hệ hành chính); ra chợ mua hàng thì là người mua (Luật Dân sự – quan hệ mua bán). Luật gọi là các bên; nhưng khi vận dụng luật ta phải chuyển mỗi bên thành một “tư cách”. Thí dụ, đọc thấy bên mua (hay Bên A) trong hợp đồng mua bán, thì bạn phải đổi họ thành “người mua”, hay “người bán. Như vậy, là khám phá ra “bí mật” của luật pháp! Tất nhiên, bạn có thể nói: “Tôi gọi là bên mua, bên bán; còn ông gọi là người mua, người bán, thế thì có khác gì nhau?” Tất nhiên là không, nhưng nếu có nhiều bên khác tham gia thì tiếng “bên” sẽ dễ làm bạn lẫn lộn trong suy nghĩ, và không nhận ra ngay bổn phận và quyền lợi của mỗi người. Luật sư phải suy nghĩ rạch ròi.

Trong thí dụ chậu hoa rơi, bạn là chủ nhà, mua chậu hoa về để trên ban công lúc chiều, đến đêm nó rơi vào đầu ông hàng xóm. Ở đây, khi đứng ở vị trí của chậu hoa kia mà nói, bạn là “ông chủ chậu hoa”. Bạn không còn là “ông chủ nhà”! Phải là chủ chậu hoa thì mới bắt bạn đền được; còn nếu nói bạn là “chủ nhà” thì bạn sẽ chối ngay “tôi chẳng dính dáng gì đến chậu hoa cả!” Khi là “chủ chậu hoa” thì lúc đền, tư cách của bạn thành “người gây thiệt hại” và phải bồi thường cho nạn nhân. Bạn thấy không, chỉ trong một hoàn cảnh đơn giản như vậy, bạn có ba tư cách; mỗi tư cách làm cho bạn có nghĩa vụ và quyền lợi khác nhau. Việc bồi thường của bạn được quy định trong LDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Luật của Pháp gọi là lỗi (faute); luật Anh, Mỹ gọi là lầm lẫn (tort) hay công bằng (equity). “Tư cách” là cái mối rối nhất của một cuộn dây dài bị rối. Gỡ nó ra được thì gỡ cuộn dây rối được. Gỡ cuộn dây là giải quyết một sự tranh chấp.

Như đã đề cập, mỗi giao dịch trong cuộc sống thì sách vở gọi là quan hệ xã hội. Gọi như thế là để trừu tượng hóa các loại giao dịch thành một. Tương tự, nó cũng được gọi là “quan hệ pháp lý” hay “tương quan pháp lý”.

Nói “quan hệ pháp lý”, “pháp lý”… nhiều người dễ nghĩ đến tính chất long trọng của nó; thực ra nó chỉ là một sự việc, một vấn đề được luật quy định và bị buộc phải tuân theo. Tuân thủ luật pháp không phải vì nó là luật pháp, mà vì cái mục đích mà luật muốn phục vụ. Tôi xin mở rộng điểm này một tí để chúng ta không còn bị “hỏa mù” về “tính pháp lý”. Các bạn bằng lòng chứ?

Khi nghe ai nói Luật Thừa kế quy định về các điều kiện hình thức và nội dung của bản di chúc để cho nó có giá trị pháp lý, không được sai sót. Nghe thế, ta thường sợ vì là “pháp lý”! Hãy khoan! Ta đặt câu hỏi: “Có giá trị với ai?” “Có phải với cơ quan chính quyền hay tòa án?” Thoạt nghĩ, bạn sẽ bảo ”với tòa án”, với “luật pháp”. Nghĩ kỹ hơn thì không phải vậy. Luật pháp hay tòa án có tranh chấp di sản với người thừa kế đâu; mà chính là các người kia với nhau và họ đem nhau ra tòa đấy chứ. Bên bảo “di chúc không có giá trị”; bên nói “có chứ”. Thực sự họ tranh chấp nhau về tài sản thừa kế; còn hình thức di chúc chỉ là cái cớ. Vậy tòa án phải quyết định hình thức di chúc đúng hay sai? Nhìn ra trước các sự tranh chấp kia, luật quy định các điều kiện của di chúc. Cứ soạn đúng như thế thì khỏi cãi nhau! Suy ra, “giá trị pháp lý của bản di chúc” là loại bỏ tranh chấp.

Nhấn mạnh tính pháp lý của tờ di chúc vì tính chất long trọng của nó là chưa hiểu luật. Các quan chức hành chánh thường làm như thế. Là luật sư bạn cần nắm rõ vấn đề. Nếu các thừa kế nhìn nhận bản di chúc là ý muốn của bố mẹ họ, thì việc chứng thực mà luật buộc trở thành vô nghĩa!

Trở lại đề tài, quan hệ xã hội hay tương quan pháp lý tạo ra tư cách. Tư cách ấn định trách nhiệm và quyền lợi. Quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Đó là các “bí mật” của luật pháp. Khi xem hợp đồng của khách hàng giao, bạn sẽ hoán chuyển: giao dịch cam kết thành vụ việc – các bên thành tư cách mỗi người. Nắm được tư cách, bạn sẽ bảo vệ được thân chủ mình vì biết ông ta có quyền lợi gì và với ai. Tư cách giúp mở tung vấn đề.

Tuy nhiên, sau khi xem một giao dịch thì ta cũng phải xác định nó nằm trong lãnh vực nào: dân sự (trách nhiệm theo nghĩa vụ; theo hợp đồng và ngoài hợp đồng, lao động, thương mại); hành chính, hay hình sự. Thông thường, trách nhiệm dân sự buộc phải thực thi bằng tiền nếu vi phạm; trách nhiệm hành chánh thì cũng bằng tiền hay phải chấm dứt hoạt động; trách nhiệm hình sự thì bằng tiền, tù hay cả hai, tùy sự vi phạm. Câu viết ”tôi cam kết sẽ chịu mọi trách nhiệm” thì thực sự chỉ là một trong ba loại trách nhiệm trên.

II. Vận dụng luật pháp

Ở đây tôi chỉ đề cập LDS tức là trách nhiệm dân sự.

Các bạn đã học luật vậy đương nhiên các bạn biết luật. Đó là mức độ thứ nhất của người đã học luật. Khám phá ra “bí mật của luật” như tôi đã kể ở trên – mà đó là phần rất nhỏ – thì là bước đầu cho sự hiểu luật. Khi hiểu luật nhiều thật nhiều thì bạn dạy luật được. Vậy hiểu luật là mức độ thứ hai. Nhưng chỉ ở mức này thì chưa giúp gì được cho việc tái lập trật tự xã hội mà đã bị phá vỡ do sự vi phạm luật của một ai đó. Một phần trong vai trò của luật sư là tái lập trật tự.

Tái lập trật tự xã hội về mặt dân sự là làm sao cho người thiệt hại được bồi thường. Vậy ngoài hai bên liên can phải có người thứ ba và bằng chứng, để giải thích, hay bắt buộc “người vi phạm” đền cho “nạn nhân” và người này phải biết vận dụng luật. Luật sư và thẩm phán nói chung (bao gồm kiểm sát viên) làm việc này. Ở đây tôi chỉ đề cập luật sư.

Trở lại chậu hoa rơi thì việc vận dụng luật là:

(i) Xác định ngành luật, phân tích khung cảnh (thời gian, không gian, chủ nhân) của sự việc chậu hoa hoa rơi, khiến gây thương tích;
(ii) Người phải chịu trách nhiệm, chiếu theo quy định về “cây cối gây ra” hay “sức khỏe bị xâm phạm”;
(iii) Bằng chứng; và
(iv) Mối liên hệ nhân quả.

Chọn ra một điều khoản nhất định của một văn bản luật nào đó áp dụng cho một sự việc nhất định, với những người nhất định, để ấn định trách nhiệm hầu tái lập trật tự là vận dụng luật pháp. Một người hiểu luật có thể có một trình độ cao, như tiến sĩ luật; nhưng sự hiểu biết ấy khó áp dụng trong thực tế vì luật chỉ áp dụng cho những người và cảnh nhất định đã xảy ra và phải làm sao thuyết phục được các người liên quan, vốn ít hiểu luật.

Tôi xin lấy một thí dụ để làm rõ các mức độ: Biết luật, hiểu luật và vận dụng luật qua một số hành vi bị luật điều chỉnh. Ấy là: đi xe, quẹo xe và tránh xe ngược chiều. Luật Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định thế này.
“Điều 9. Quy tắc chung
Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
…………
Điều 15. Chuyển hướng xe
1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
Điều 17. Tránh xe đi ngược chiều
1.Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.”
Áp vào ba mức độ đã nêu thì:

1. Biết luật.

Là biết các quy định trên trong thực tế. Đi xe máy trên đường (tham gia giao thông) thì phải đi như thế nào; lúc quẹo phải làm gì; và tránh xe đi ngược chiều thế nào.

2. Hiểu luật.

Một người hiểu luật thì biết rằng luật kia nhằm giữ cho mọi người an toàn khi đi đường. Nguyên tắc chung là mỗi người phải ở bên phải theo chiều đi của mình và khi đi như thế thì có ưu tiên vì được người khác nhường. Ai không nhường là vi phạm luật dù chưa đụng ai; còn mình đi không đúng thì cũng phạm luật dù cảnh sát chưa bắt.
Khi muốn rẽ tay phải hay tay trái thì phải giảm tốc độ và ra dấu hiệu báo hướng rẽ. Hơn nữa, khi rẽ thì nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ rẽ khi thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác. Phải làm như thế vì mất ưu tiên khi đi.

Nếu đi trên cầu xuống thì phải nhường đường cho xe đang lên dốc cầu. Phải làm vậy vì khi xe mình đi xuống, thì không phải đạp, hay không phải nhấn ga; tức là được an nhàn, kiểm soát được xe mình, và vì thế khó bị ngã. Trong khi ấy, khi người đi lên dốc cầu phải làm ngược lại, bánh trước cao, bánh sau thấp, khó kiểm soát nên dễ bị ngã. Luật áp dụng đạo đức con người là người mạnh phải nhường cho người yếu.
Người hiểu luật sẽ giải thích các quy định của luật, tại sao nó có và có thể mở rộng thêm bằng cách giảng luân lý, người đối xử với người; hay tập tục trên thế giới về việc lái xe theo bên phải hay bên trái. Lúc đó sẽ là thầy giáo giỏi.

3. Vận dụng.

Người vận dụng luật là khi phải giải quyết một vụ tranh chấp. Thí dụ, anh A đang đi xe đạp bên tay phải trên đường Cách mạng Tháng Tám, khu quận 3, gần đến ngã tư Võ Văn Tần. Đến sát ngã tư, A bị ngã vì B đi xe máy, vượt lên để rẽ phải, áp sát và đụng anh ta. B thấy đèn vàng bèn chạy nhanh lên vì có bảng ghi “Cấm rẽ phải khi đến đỏ”. A đến nhờ bạn thưa B.

Muốn làm bạn phải vận dụng luật, giống như trình bày ở vụ chậu hoa rơi. (Tôi không thể dùng vụ lai chậu hoa rơi ở đây được vì nó không có thí dụ cho việc biết và hiểu luật). Bạn phải xác định ngành luật phù hợp. Ở đây bạn không nhảy sang Bộ Luật Hình sự (Điều 108); mà phải tìm Luật Giao thông đường bộ. Bạn sẽ thấy B vi phạm Điều 15.2. Vậy là xác định vi phạm (hành vi bị điều chỉnh). Đi tiếp, bạn phải tìm cách để B đền tiền cho A? Bạn không thể làm một luận án như tiến sĩ ở đây! Luật sư khác tiến sĩ ở chỗ này. Bạn sẽ vận dụng điều 15.2 kia vào trường hợp cụ thể, tức là của A.
Để vận dụng luật bạn phải biết đặt câu hỏi pháp lý. Đặt câu hỏi như thế là một vấn đề căn bản của mọi luật sư. Và bạn phải làm sau khi đã xem xét nội vụ.

Câu hỏi ấy có thể là: “B có vi phạm luật không?”. Thường thì các bạn hỏi như vậy. Hỏi như thế, đối tượng bạn nhắm vào là luật pháp, tức là Điều 15.2 kia (vi phạm luật mà). Nhưng ở đây là A cơ. Vậy bạn nên hỏi: “Khi làm A ngã, thì B đã đi phải hay đi trái?” Đi phải hay trái cũng là dựa theo luật, nhưng bạn đã đưa A vào cuộc. Thực ra, hỏi theo câu trước hay sau thì cũng là đặt câu hỏi pháp lý vì chúng đều dựa vào luật. Nhưng cách sau cho câu trả lời nhanh hơn.

Hỏi theo câu đầu thì câu trả lời lần lượt theo logic sẽ là: (i) B có vi phạm luật; (ii) vì luật buộc B phải nhường quyền đi trước cho người người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, tức là A; (iii) vậy B phạm lỗi với A và phải đền cho A. Bạn thấy không, bạn nhắm vào luật thì bạn phải nêu luật ra, rồi mới đưa B vào được.

Hỏi theo cách sau thì câu trả lời là: B đi trái luật nên làm ngã A; vậy phải đền cho A. Trong câu hỏi sau bạn nhắm vào B, nên câu trả lời nhanh hơn, xác định vi phạm rõ hơn.

Bạn có thể phản đối tôi, vì thế tôi nói “nên hỏi”. Ai giải quyết vấn đề đúng và nhanh thì hiệu quả hơn người làm chậm. Luật sư là một người làm kỹ thuật. Luật là một thực tế. Ai làm hiệu quả hơn thì người ấy giỏi.

Vậy, khi đọc bài này xong, bạn có thể biết mình đang ở mức độ nào. Vai trò của luật sư là vận dụng luật pháp. Chúng ta dễ gặp người biết luật; nhưng họ thường chưa hiểu luật; còn vận dụng được thì phải mất nhiều công. Bởi thế các tòa án ở Mỹ, họ chỉ cho phép luật sư tham dự các vụ tranh chấp. Sở dĩ vậy vì luật sư biết cách đặt câu hỏi pháp lý, biết cách tranh tụng để đưa ra chân lý, giúp tòa ra bản án chấp chóng vánh và thuyết phục. Dạy cách vận dụng luật chưa được chú trọng trong các trường luật của ta. Các bạn nên biết cách này, nếu muốn hành nghề thành công. Tôi sẽ trở lại với các bạn trong các đề tài khác. Các bạn có thể trao đổi với tôi về đề tài này, nếu muốn. Ngồi uống nước ở sân trước của Đoàn (Một chiều mưa tầm tả chẳng hạn… nhưng ai rủ thì phải bao tôi).

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM

Tham khảo các bài viết tư vấn báo dân trí của các luật sư:

(Dân trí)-Thủ tục chấm dứt hợp đồng do hết tuổi lao động - Thủ tục thành lập công ty cổ phần

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty TNHH - Thủ tục xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục mua bán, sát nhập doanh nghiệp - Thủ tục đơn phương xin ly hôn

(Dân trí)- Điều kiện việt kiều được mua nhà Việt Nam - Thủ tục giải thể doanh nghiệp

(Dân trí)- Thủ tục tặng, cho tài sản cho người thân -Thủ tục ly hôn với người nước ngoài

(Dân trí)- Điều kiện thành lập trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài -Thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi trụ sở công ty cổ phần - Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần -Thủ tục kết hôn với người nước ngoài

(Dân trí)-Thủ tục làm giấy phép tổ chức chương trình khuyến mại -Thủ tục Công chứng hợp đồng ủy quyền

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập công ty cổ phần - Chia tách thửa đất phải đảm bảo đủ các điều kiện nào?

(Dân trí)-Thủ tục thay đổi tên công ty Trách nhiệm hữu hạn - Quyền chia thừa kế nhà đất

(Dân trí)-Thủ tục hủy bỏ hợp đồng công chứng - Quy định về trường hợp mất năng lực hành vi dân sự

Liên kết Xem thêm + trao đổi:

Là một trong những Công ty luật có đội ngũ Luật sư đông đảo và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chúng tôi tư vấn và tham gia với vai trò luật sư, người đại diện khi khách hàng Ly hôn tư vấn các vấn đề liên quan tới  thủ tục ly hôn - ly hôn đơn phương Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sản, Chúng tôi tham gia hoà giải và tư vấn.

Lĩnh vực đất đai, chúng tôi có các hoạt động tư vấn như:sang tên sổ đỏ , tư vấn luật đất đai ngoài ra lĩnh vực lao động, chúng tôi có các bài viết tư vấn luật lao động trên các phương tiện báo, website..

Lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư, chúng tôi có các luật sư giỏi tham gia Tư vấn đầu tư , tư vấn đầu tư nước ngoài tại việt nam là một hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư, vì vậy việc tư vấn tốt sẽ mang lại nhiều giá trị tư vấn luật đầu tư

Dịch thuật là một hoạt động bao gồm việc luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó - văn nguồn - và chuyển sang một ngôn ngữ khác,  Dịch thuật công chứng.

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân