Nhận và trả hồ sơ tận nơi logo Công ty luật TNHH Đại Việt Bản đồ bên trái web
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ VÀ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA THEO PHÁP LUẬT NHẬT BẢN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG
I. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ 1. Cơ sở pháp lý Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có lịch sử khá lâu đời ở Nhật Bản, văn bản đầu tiên về quyền tác giả ở Nhật Bản là Sắc lệnh về xuất bản, Shuppan Jorei, được ban hành năm 1869, bảo hộ việc xuất bản sách[1], Sắc lệnh này được sửa đổi vào năm 1875. Năm 1876, Sắc lệnh về hình ảnh đã được ban hành.

Đạo luật đầu tiên về quyền tác giả được ban hành vào năm 1899. Văn bản luật này được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Công ước Berne để đáp ứng cho việc Nhật Bản gia nhập công ước này. Đạo luật này có hiệu lực cho đến khi được thay thế bởi Luật quyền tác giả, Luật số 48 năm 1970. Luật Quyền tác giả được sửa đổi vào các năm 1984, 1985, 1988, 1989, 1992. Và vào năm 1994, Luật quyền tác giả được sửa đổi nhằm đảm bảo thực thi Hiệp định TRIPs. Luật Quyền tác giả được sửa đổi lần cuối cùng vào năm 2004 (Luật số 92 năm 2004).

Nhật Bản gia nhập Công ước Brussels năm 1948 và Công ước Paris năm 1971 và công ước Berne năm 1974. Đến năm 1978 Nhật Bản gia nhập Công ước Bảo hộ ghi âm- còn gọi là Công ước Geneva. Năm 1989, Nhật Bản chấp nhận gia nhập Công ước Rome về quyền kế cận.

Luật quyền tác giả Nhật Bản phân biệt khá rõ quyền tinh thần và quyền kinh tế (Điều 17.1 Luật Quyền tác giả). Cả hai quyền nay để đều đương nhiên được bảo hộ. Việc đăng ký không phải là để xác lập quyền tác giả mà có ý nghĩa củng cố quyền tác giả. Khi có tranh chấp tại Toà án, người đăng ký bản quyền sẽ có lợi. Thông thường khi có tranh chấp trách nhiệm chứng minh thuộc về nguyên đơn, nếu có đăng ký rồi thì nguyên đơn không phải chứng minh nữa mà bị đơn có trách nhiệm chứng minh (Điều 75, Điều 76, Điều 77 Luật quyền tác giả). Một khi đã xác lập quyền, người sở hữu quyền tác giả không cần phải chứng minh quyền tinh thần và quyền kinh tế trước toà, có thể hành động phù hợp với những hành vi có nguy cơ đe doạ quyền. Chủ sở hữu quyền có thể kiện ra tòa yêu cầu tòa bảo hộ quyền tinh thần và quyền kinh tế. Tòa án sẽ ra lệnh tiêu hủy các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các công cụ để sản xuất các sản phẩm vi phạm và áp dụng các biện pháp khác. Chủ sở hữu quyền còn có thể tìm sự trợ giúp từ phía Cục Văn hóa, cơ quan có quyền trung gian hòa giảI trong các vụ việc về quyền tác giả (Điều 105 (1), Luật quyền tác giả). Tuy nhiên hội đồng hòa giải chỉ đưa ra ý kiến chứ không đưa ra quyết định mang tính bắt buộc.

2. Xác định hành vi vi phạm

Theo Điều 113.1 Luật Quyền tác giả, những hành vi sau đây được coi là xâm phạm quyền tinh thần của tác giả, quyền tác giả, quyền xuất bản hoặc một số quyền kết cận:

"(i) Nhập khẩu vào Nhật Bản để phân phối những sản phẩm được tạo ra bởi hành vi vi phạm quyền tinh thần của tác giả, quyền tác giả, quyền xuất bản hoặc một số quyền kết cận;

(ii) Phân phối, hoặc sở hữu có chủ ý, ý đồ xấu sản phẩm là hành vi vi phạm quyền tinh thần của tác giả, quyền tác giả, quyền xuất bản hoặc một số quyền kết cận

Người có mục đích kinh doanh bằng cách sao chép chương trình máy tính chịu trách nhiệm pháp lý tới mức như hành vi có ý đồ xấu ".

Trong một vụ kiện về vi phạm bản quyền, nguyên đơn – chủ sở hữu bản quyền buộc phải chứng minh được bị đơn đã sử dụng đến tác phẩm của mình và tác phẩm của bị đơn là giống một cách cơ bản với tác phẩm của mình về hình thức thể hiện. Tồn tại hai điều kiện bắt nguồn từ bản chất tự nhiên của việc bảo hộ quyền tác giả. Bảo hộ quyền tác giả đối với hình thức thể hiện một ý tưởng hơn là đối với chính ý tưởng đơn thuần đó. Điều này được quy định một cách rõ ràng trong Luật Bản quyền (luật số 48, 1970) tại Điều 2 – Khoản 1 đã định nghĩa thuật ngữ “tác phẩm viết” (Edosakubutsu) như là một sản phẩm mà trong đó những suy nghĩ và tình cảm được thể hiện một cách sáng tạo và nó thuộc lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật và lĩnh vực âm nhạc.

Nếu việc sử dụng (ikyo) của bị đơn là không thể chối cãi được, thì Toà án bắt buộc phải so sánh tác phẩm của bị đơn với tác phẩm của nguyên đơn để xác định xem liệu có sự giống nhau cơ bản giữa tác phẩm sau với tác phẩm trước về hình thức thể hiện hay không? Việc so sánh này hầu hết thường được tiến hành khi nguyên đơn kiện do quyền về tái bản độc quyền của nguyên đơn đã bị đơn xâm phạm. Điều 21 của Luật Bản quyền quy định “Tác giả có quyền tuyệt đối về việc tái sản bản đối với tác phẩm viết của mình”. Thuật ngữ “tái bản” (fukusei) được định nghĩa trong Điều 2 – (1) (XV) như sau: “Tái bản trong một hình thức hữu hình bằng cách in ấn, chụp ảnh, sao chụp, ghi âm, ghi hình hoặc các hình thức khác”.

Khi một tác phẩm văn học của nguyên đơn được khẳng định là đã bị tác phẩm của bị đơn xâm phạm, thường thì nguyên đơn phải chuẩn bị một bảng so sánh về sự miêu tả những điểm tương tự trong hai tác phẩm. Nếu trật tự của sự trình bày, việc lựa chọn các từ ngữ hoặc sự thể hiện văn học trong phần tương ứng là gần giống hoặc là hoàn toàn tương tự, thì Toà án có thể kết luận rằng theo kinh nghiệm rõ ràng là những thể hiện văn học tương tự rất rõ nét này không thể là một công việc do tiến hành độc lập được và việc giả thiết bị đơn đã sử dụng tác phẩm của nguyên đơn là rất dễ dàng xảy ra.

Trong vụ "Yasuo Kusumoto kiện Takeo Kobayashi” Toà án đã xem xét bảng so sánh về những nét giống nhau và những miêu tả tương tự trong hai cuốn sách do hai tác giả viết về cùng một nội dung. Đó là cuốn “Quyền của công dân được tiếp cận với ánh sáng mặt trời và bảo vệ môi trường”, Toà án đã phủ nhận sự độc lập của bị đơn trong việc sáng tạo ra một quan điểm rất tương tự để có nhiều ảnh hưởng hơn trong việc nghiên cứu cùng một chủ đề và có khả năng là đã sử dụng cùng một loại tài liệu hoặc tài liệu tương tự.

Khi nguyên đơn kiện rằng tác phẩm nghệ thuật của mình bị xâm phạm bởi tác phẩm của bị đơn, thì Toà án bắt buộc phải xem xét liệu sự thể hiện nghệ thuật đặc trưng trong tác phẩm của nguyên đơn có bị đơn lạm dụng không. Trong vụ Katsusi Katsukawa kiện Nippon Television Network Corp, Toà án cho rằng bộ phim hài của bị đơn đã không xâm phạm đến cuốn sách hài hước của nguyên đơn, bởi vì những nét khôi hài trong tác phẩm của bị đơn chỉ tương tự với những nét khôi hài trong cuốn sách của nguyên đơn về những kiểu vẽ mà thôi.

Vì các cuốn sách hài hước và bộ phim hài là khác nhau về sự thể hiện trên mạng truyền thông, cho nên việc kiện của nguyên đơn về việc bị xâm phạm chỉ có thể dựa trên quyền tuyệt đối của mình là đã sáng tạo ra tác phẩm gốc theo Điều 27 quy định rằng “tác giả có quyền tuyệt đối trong việc dịch, soạn nhạc, chuyển thể, viết kịch, làm phim hoặc phóng tác tác phẩm viết của mình”. Trong vụ Công ty Conami kiện Kuiro komami, nguyên đơn đã sản xuất và phân phối một trò chơi trên máy tính và đưa ra những hình ảnh cảm động về những cô gái và các cậu con trai học trung học. Bị đơn cũng sản xuất và phân phối một bộ phim video và có những nhân vật tương tự nhưng kể về một câu chuyện khác. Vì nhân vật của bị đơn rõ ràng là giống với nhân vật trong trò chơi máy tính của nguyên đơn, Toà án nhận thấy rằng cả hai quyển tái bản và phóng tác của nguyên đơn đã bị xâm phạm. Ngoài ra, trong vụ Noboru Nishuda alias Hidekatsu Shuku kiện Fuji Television Network. Vở kịch “jigoku no takushii” (có nghĩa là “Tắc – xi dưới địa ngục”) chiếu trên ti vi của bị đơn đã không xâm phạm quyền phóng tác của nguyên đơn trong vở kịch hài của nguyên đơn là “Mọi người hạnh phúc”.

Khi một tác phẩm âm nhạc của nguyên đơn bị tác phẩm của bị đơn xâm phạm một cách rõ ràng thì Toà án thụ lý vụ kiện phải so sánh bản tổng phổ âm nhạc của cả hai bên để tìm ra những điểm tương tự cơ bản giữa hai tác phẩm đó. Trong sự tìm kiếm này, Toà án bắt buộc phải dựa vào quan điểm của các chuyên gia. Một ví dụ rất điển hình là vụ K.K International Music Publishers kiện Dorei Suzuki” về một bài hát rất nổi tiếng của bị đơn có tên là “Một đêm mưa ở Tokyo”. Toà án đã kết luận là không có sự xâm phạm bài hát trước đó của Warren với tựa đề “Đại lộ của những giấc mơ tan vỡ”. Toà án đã lắng nghe những nhận xét của các chuyên gia và so sánh hai tác phẩm âm nhạc về những khía cạnh như giai điệu, hoà âm, nhịp điệu và hình thức, và sau đó quyết định rằng không có một sự tương tự cơ bản nào giữa hai tác phẩm âm nhạc. Toà án Tối cao vẫn y án quyết định của Toà cấp dưới là không có sự xâm phạm với lý do việc sử dụng của bị đơn đã không chứng minh được.

Gần đây nhất, trong vụ Asei Kobayashi kiện Katsuhia Hattori Toà án đã phát hiện ra trong bản tổng phổ âm nhạc của tác phẩm âm nhạc của bị đơn với tựa đề là “Kinenu” (có nghĩa là “trồng cây để tưởng nhớ một điều gì đó”) không có những nét tương tự cơ bản với bài hát nổi tiếng của bị đơn với tựa đề “Dodomademo yuko” (có nghĩa là “hãy để chúng ta sống vô tận”), và vì vậy, không có sự xâm phạm tác phẩm trước. Đơn kháng cáo của nguyên đơn vẫn còn đó chưa được giải quyết. Một vấn đề duy nhất ở đây là phải có sự giống nhau cơ bản[2].

3. Các biện pháp dân sự

Khi quyền tinh thần của tác giả, quyền tác giả, quyền xuất bản hoặc một số quyền kết cận bị xâm hại hoặc giống như bị xâm hại, tác giả hoặc người sở hữu quyền có thể yêu cầu chấm dứt vi phạm hoặc ngăn chặn sự vi phạm (Điều 112, khoản 1 Luật quyền tác giả) "nguyên đơn của vụ việc có thể yêu cầu Toà án ban hành lệnh khẩn cấp tạm thời hoặc ra lệnh cho người có hành vi vi phạm thiêu huỷ hàng hoá và yêu cầu huỷ những phương tiện sử dụng để tạo ra sản phẩm vi phạm" và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại là nhằm đền bù cho những mất mát thực tế mà nguyên đơn phải gánh chịu do hành vi vi phạm gây nên.

Về biện pháp khẩn cấp tạm thời, Điều 114-2 Luật Quyền tác giả đã quy định về nghĩa vụ công bố "Trong trường hợp bị đơn từ chối trạng thái hạn chế (bị áp dụng biện pháp ngăn chặn) là hệ quả của hành vi bị coi là xâm phạm do tác giả, chủ sở hữu bản quyền, người giữ quyền kế cận yêu cầu trong vụ kiện liên quan đến sự xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, bản quyền, quyền công bố, quyền nhân thân của người biểu diễn hoặc các quyền kế cận, bị đơn có thể công bố trạng thái hạn chế trong họat động của họ, miễn là điều này không được áp dụng khi bị đơn có lý do chính đáng để không công bố trạng thái hạn chế đó".

Về việc bồi thường thiệt hại, theo quy định của Luật Quyền tác giả Nhật Bản:

- Các khoản bồi thường được công nhận: thiệt hại thực tế, lợi nhuận từ vi phạm và án phí.

- Các khoản bồi thường không được công nhận: Bồi thường theo luật định, Bồi thường trừng phạt, phí luật sư.

4. Xác định thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp dân sự đối với hành vi vi phạm quyền tác giả, nguyên đơn của vụ kiện liên quan đến xâm hại bản quyền tác giả có thể đòi bồi thường từ bị đơn, người cố ý hoặc hoặc bất cẩn xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn theo quy định chung tại điều 709 Bộ luật Dân sự Nhật Bản. Nguyên đơn phải cung cấp bằng chứng về thiệt hại, nhưng để dễ dàng trong việc cung cấp bằng chứng, Điều 114 của Luật Quyền tác giả quy định về sự duy đoán: lợi nhuận từ sự xâm hại, hoặc là số lượng mà nguyên đơn trong điều kiện bình thường nhận được do sử dụng quyền tác giả của mình và quyền liên quan, được coi như là số thiệt hại của nguyên đơn hoặc tính phí bản quyền tác giả[3].

"Điều 114. Suy đoán về tính toán thiệt hại[4]

1. Trong trường hợp người sở hữu quyền tác giả hoặc người nắm giữa quyền công bố hoặc quyền kế cận (sau đây gọi là "người sở hữu bản quyền") yêu cầu người có lỗi cố ý hoặc sơ suất xâm hại quyền tác giả, quyềncông bố hoặc quyền kế cận của người đó bồi thường thiệt hại mà người sở hữu quyền hoặc người nắm giữ quyền phải gánh chịu bởi sự vi phạm đó, và người được thu nhượng sản phẩm có từ hành vi vi phạm hoặc chuyển giao cũng coi là hành vi vi phạm, thiệt haị được tính toán bằng cách nhân số lượng sản phẩm đã được chuyển nhượng hoặc đã sao chép hoặc đã biểu diễn, v.v., với mức lợi nhuận tương ứng với đơn vị sản phẩm của người sở hữu bản quyền mà có thể bán nếu không có hành vi vi phạm (bao gồm số bản sao được làm bằng cách thu), có thể coi như là số tiền bồi thường cho người sở hữu bản quyền, trong phạm vi được xác định phù hợp với khả năng bán hàng của người sở hữu bản quyền; với điều kiện khấu trừ với số lượng mà người sở hữu bản quyền không thể bán được toàn bộ hoặc một phần, nếu có.

2. Trong trường hợp người sở hữu bản quyền hoặc người giữ quyền công bố hoặc quyền kế cận (gọi là người sở hữu bản quyền) yêu cầu người có lỗi cố ý hoặc sơ suất xâm hại bản quyền, quyền công bố hoặc quyền kế cận, tiền bồi thường thiệt hại do sự vi phạm đó gây ra, lợi nhuận (nếu có) mà bên vi phạm nhận được trong quá trình vi phạm sẽ được coi như một khoản thiệt hại của chủ sở hữu bản quyền.

3. Chủ sở hữu bản quyền có thể yêu cầu từ người có lỗi cố ý hoặc sơ suất xâm hại bản quyền, quyền công bố hoặc quyền kế cận, một khoản tiền bồi thường thiệt hại tương đương với khoản tiền mà chủ sở hữu bản quyền có thể nhận được một cách thông thường cho việc sử dụng bản quyền hoặc quyền kế cận.

4. Các điều khoản tại các đoạn trên sẽ không loại trừ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại mà khoản tiền yêu cầu vượt quá các khoản tiền được quy định ở trên. Trong những trường hợp đó, nếu như không có lỗi cố ý hoặc sự bất cẩn hiển nhiên của bên vi phạm, tòa án có thể dựa trên thực tiễn để đánh giá và quyết định khoản tiền bồi thường".

"Điều 114-5 Số tiền hợp lý để bồi thường thiệt hại[5]

Trong trường hợp thiệt hại được phát hiện là hậu quả của hành vi vi phạm bản quyền, và việc chứng minh những yếu tố thực tế để xác định tiền bồi thường thiệt hại là hết sức khó khăn thì tòa án có thể ra quyết định một khoản tiền bồi thường phù hợp dựa trên ý chính của việc tranh luận và kết quả của việc kiểm tra chứng cứ".

Như vậy, Điều 114 Luật quyền tác giả quy định cách tính thiệt hại dựa trên ba nguyên tắc[6]:

Thứ nhất, khi người vi phạm có được lợi nhuận từ sự vi phạm, số lợi nhuận đó được giả định là số thiệt hại của nguyên đơn;

Thứ hai, nguyên đơn có thể đòi hỏi người vi phạm bồi thường số lượng mà nguyên đơn trong điều kiện bình thường nhận được do sử dụng quyền tác giả của mình và quyền liên quan, được coi như là số thiệt hại của nguyên đơn;

Thứ ba, nguyên đơn không bị ngăn cản việc yêu cầu bồi thường vượt quá mức mà nguyên đơn trong điều kiện bình thường nhận được do sử dụng quyền tác giả của mình và quyền liên quan, thậm chí trong trường hợp người vi phạm không có lỗi cố ý hoặc vô ý nặng.

Về cơ bản việc tính toán thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm quyền tác giả cũng được tính toán bằng một trong hai phương pháp tại Mục II.4.

Trước khi Luật Quyền tác giả được sửa đổi vào năm 2004, công thức tính mức thiệt hại "Thiệt hại = Số lượng sản phẩm mà bị đơn đã chuyển nhượng x mức lợi nhuận trên một đơn vị số lượng sản phẩm của nguyên đơn"[7] không được áp dụng với việc xâm hại bản quyền. Thực tế giải quyết các tranh chấp về vi phạm bản quyền tác giả đã có nhiều ý kiến cho rằng phải bổ sung quy định tương tự khoản 1 Điều 102 Luật Sáng chế, những ý kiến phản bác thì cho rằng trong việc xâm hại bản quyền như việc nhân bản không xin phép- hành vi xảy ra không kèm theo sự chuyển nhượng nên khó có thể tính mức bồi thường theo cách này, bởi vậy Luật quyền tác giả không có quy định tương tự như khoản 1 Điều 102 Luật Sáng chế. Tuy nhiên, tại lần sửa đổi bổ sung Luật Quyền tác giả vào năm 2004, quy định về cách tính thiệt hại mới đã được bổ sung tại Khoản 1 Điều 114 Luật Quyền tác giả.

Trên thực tế, không có một phương pháp tính toán xác định nào cho mọi vụ việc; Biện pháp phổ biến nhất cho việc tính toán thiệt hại thực tế là tính mức suy giảm về giá trị của bản quyền sau khi bị xâm hại; Thiệt hại này được đánh giá một cách gián tiếp thông qua sự chênh lệch về giá trị của bản quyền trước và sau khi bị xâm phạm. Cụ thể thiệt hại thực tế có thể được toà án xác định dựa trên các yếu tố sau:

+ Doanh thu bị mất (từ việc bán hàng hoặc chuyển giao quyền tác giả)

+ Tiền bản quyền/nhuận bút.

+ Giá thị trường của tác phẩm

Doanh thu bị mất được tính bằng doanh thu bị giảm từ việc bán hàng. Có thể tính bằng 2 cách sau: So sánh lượng hàng bán trong một giai đọan khi không có vi phạm và khi bị xâm phạm hoặc Lấy lượng hàng bán ra của bên xâm phạm để tính gần đúng doanh thu bị giảm từ việc bán hàng.

Tuy nhiên việc tính toán thiệt hại thực tế căn cứ theo doanh số bán ra bị giảm chỉ thường được áp dụng trong trường hợp bên nguyên đơn và bị đơn là đối thủ cạnh tranh trên cùng thị trường

- Tiền bản quyền/ nhuận bút: Khi doanh số bán ra không thể xác định được, chủ sở hữu quyền có thể tính toán thiệt hại thực tế dựa trên thù lao/phí chuyển giao quyền quyền tác giả có thể nhận được nếu chuyển giao quyền đó (phim, bài hát, phần mềm); Các chuyển giao cùng loại tạo ra mức phí để làm căn cứ tính toán

- Giá thị trường của tác phẩm: Khi không xác định được doanh số bán ra bị mất hoặc khi mức thù lao hợp lý khó xác định vì chưa có sự chuyển giao quyền tương tự để làm căn cứ, chủ sở hữu quyền có thể áp dụng biện pháp “giá thị trường” để tính tóan thiệt hại thực tế. Biện pháp này hữu dụng khi mà chủ sở hữu quyền bị xâm phạm muốn giữ độc quyền với tác phẩm và không có ý định chuyển giao quyền tác giả hoặc cho phép bên nào khác sử dụng.

- Thiệt hại khác có thể được tính vào thiệt hại thực tế: Thiệt hại do suy giảm về uy tín nghề nghiệp; Thiệt hại về chi phí phát sinh do có sự xâm phạm quyền (thời gian làm việc gia tăng, chi phí nghiên cứu,…); Thiệt hại về doanh số bán ra của các sản phẩm có liên quan tới bản quyền bị xâm phạm do việc xuất hiện các sản phẩm xâm phạm bản quyền trên thị trường.

5. Thực tiễn áp dụng

Thông thường trong các vụ tranh chấp với nhau về vi phạm bản quyền thì nguyên đơn thường là cá nhân, cũng có khi là công ty Nhật Bản hay Hiệp hội của các tổ chức bảo vệ quyền lợi tác giả (các tổ chức này đứng ra bảo vệ quyền lợi thông qua hợp đồng trao quyền sử dụng tác phẩm).

Trong các vụ việc tranh chấp thông thường bị đơn đưa ra những lý lẽ tranh tụng để bảo vệ quyền lợi của mình, chứng minh rằng tác phẩm mà mình công bố là độc lập, không có liên quan hay ảnh hưởng gì với tác phẩm của nguyên đơn, kể cả về hình thức thể hiện, sự tương đồng, bị đơn luôn cố gắng chứng minh tác phẩm bị cho là vi phạm không thể giống hoặc không phải là sao y tác phẩm của nguyên đơn. Thẩm phán sẽ xem xét các khía cạnh, so sánh tác phẩm của nguyên đơn và tác phẩm của bị đơn để xác định sự giống nhau có đáng kể hay không. Để thực hiện được điều này đòi hỏi thẩm phán phải là chuyên gian về lĩnh vực mà mình xét xử hoặc mời các chuyên gia để tham vấn ý kiến, lý lẽ so sánh.

Trong lĩnh vực quyền tác giả, trường hợp xâm hại quyền tác giả của chương trình máy tính toà thường áp dụng phương pháp thứ hai bằng cách tính lợi nhuận biên, với việc xâm hại bản quyền thì phương pháp tính thiệt hại thứ ba thường được áp dụng và tỷ suất sử dụng bản quyền thường là 10%.

Thực tiễn giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền tác giả, thông thường nguyên đơn thường đưa ra yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần. Khi tác giả chỉ có một mình hoặc là một trong những người có quyền tác giả, đưa ra một yêu cầu với người vi phạm, anh ta thường yêu cầu bồi thường thiệt hại với sự vi phạm quyền tinh thần. Trong trường hợp này, điều đặc biệt là tác giả yêu cầu tổng số tiền bồi thường thiệt hại lớn hơn cả lợi nhuận của bị đơn hoặc phí sử dụng tác phẩm cho sự vi phạm quyền tinh thần của tác giả[8].

Vụ "Yoshikazu Shirakawa kiện Masayuki Amno"- Án lệ về việc phân biệt hành vi vi phạm quyền sở hữu của tác giả, quyền tinh thần của tác giả để làm căn cứ tính toán khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần cho chủ sở hữu tác phẩm.

Trong vụ này, nguyên đơn, Yoshikazu Shirakawa, là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nổi tiếng, ông đã chụp một vận đồng viên trượt tuyết trượt xuống một đồi bao phủ tuyết tại Sankt Christ of Tirol- Australia vào năm 1966. Nguyên đơn đã sử dụng bức ảnh này trong bộ ảnh trong tập sách được xuất bản với tựa đề “SKI 1967 No.4”. Sau khi cuốn sách được công bố, nguyên đơn còn cho phép American International Underwriters (A.I.U) sử dụng bức ảnh trong một cuốn lịch năm 1968. Bị đơn, một hoạ sỹ trang trí có bút danh “Mad Amano”, lại sử dụng bức ảnh của nguyên đơn từ cuốn lịch do A.I.U xuất bản làm ảnh bìa cuốn sách được xuất bản với tựa đề “SOS” vào tháng 1/1970. Trong năm đó, bị đơn còn công bố trên 4 cuốn tạp chí hàng tuần của tháng tư, SHUKAN GENDAI, như là một sê-ri tác phẩm của mình với tựa đề “Mad Amano’s Strange World” (Thế giới kỳ lạ của Mad Amano). Bức ảnh có tựa đề “Kiseki”. Trong việc dùng bức ảnh của nguyên đơn tại cuốn sách “SOS”, bị đơn đã chụp một bức ảnh đen trằng của một chiếc xe bánh tuyết tái sử dụng từ một quảng cáo của Tập đoàn sản xuất bánh xe Bridgestone. Với bức ảnh trên tạp chí SHUKAN GENDAI, bị đơn đã sử dụng 5/6 bức ảnh của nguyên đơn.

Nguyên đơn đã chống lại hành động của bị đơn tại toà án Tokyo với yêu cầu bồi thường thiệt hại khoản tiền là 500,000 yên cho hành vi vi phạm quyền tác giả bao gồm cả quyền sở hữu và quyền tinh thần. Nguyên đơn còn yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai bởi hành vi tạo mẩu quảng cáo. Những yêu cầu này theo quy định tại Điều 30 Luật Bản quyền tác giả cũ.

Bị đơn cho rằng bức ảnh bìa của bị đơn không xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn bởi: (1) bức ảnh của bị đơn được sáng tạo ra một cách độc lập với việc sử dụng ảnh của người khác như nguyên liệu và cảm xúc của tác giả, điều này nhấn mạnh sự khác biệt với bức ảnh nguyên gốc; (2) bức ảnh của bị đơn có ý định chỉ trích việc làm hư hại ô tô và không hề có ý định chế nhạo hay lăng mạ công việc của nguyên đơn; (3) trong bức ảnh của bị đơn, bức ảnh nguyên gốc của nguyên đơn được trích dẫn với mục đích phê bình được chấp nhận theo quy định tại Điều 30 Khoản 1 Luật Bản quyền tác giả cũ.

Toà án Tokyo đã nhận định bức ảnh của bị đơn đã vi phạm quyền tác giả của nguyên đơn và tuyên mức bồi thường thiệt hại là 500,000 yên cho tổn thất về tinh thần của nguyên đơn.

Bị đơn kháng cáo lên toà phúc thẩm Tokyo và toà phúc thẩm đã đảo ngược lại phán quyết của toà cấp dưới với lợi thế thuộc về bị đơn trên cơ sở cho rằng bị đơn không vi phạm bản quyền của nguyên đơn. Vụ án được xem xét lại nhiều lần theo đơn đề nghị của nguyên đơn rồi bị đơn.

Toà tối cao đã bác bỏ phán quyết của Toà phúc thẩm và điều tra lại sự việc dựa trên cơ sở quyền sở hữu của tác giả và quyền tinh thần có sự khác biệt về cơ chế pháp lý, và "khi cả hai yêu cầu bồi thường thiệt hại với một sự việc coi là một vụ việc hợp nhất với hai đối tượng tranh chấp, yêu cầu phải tách bạch rõ ràng khoản tiền bù đắp tổn thất dựa trên hành vi vi phạm quyền sở hữu của tác giả và khoản tiền bù đắp tổn thất dựa trên hành vi vi phạm quyền tinh thần của tác giả theo quy định….". Đây là hướng dẫn làm nền tảng cho việc giải quyết các vụ việc sau này.

Theo hướng dẫn này, Toà phúc thẩm Tokyo đã ra phán quyết cuối cùng, bị đơn chấp nhận trả cho nguyên đơn số tiền đền bù là 400,000 yên do hành vi xâm phạm quyền tinh thần của nguyên đơn.

Vụ "Mutsuo et al kiện Nihon Shelterkogyo KK.": toà án đã quyết định bị đơn phải đền bù tổn thất về tinh thần cho bị đơn với số tiền 1 triệu yên và 7% giá bán sách vi phạm của bị đơn là tiền bồi thường thiệt hại cho sự vi phạm bản quyền tác giả. Trong trường hợp này, nguyên đơn đã công bố một chú thích giống hệt của Masakadoki, một sản phẩm từ thế kỷ thứ X ở Nhật Bản, và bị đơn đã sản xuất lại một số lượng đáng kể cuốn sách của nguyên đơn ở hai cuốn sách của bị đơn. Toà đã nhận định số tiền đền bù có cân nhắc cách thực hiện hành vi vi phạm của bị đơn, vị trí xã hội của nguyên đơn như là giáo sư đại học hoặc học giả lịch sử cổ đại Nhật Bản, lao động của nguyên đơn và sự đau khổ về tinh thần của nguyên đơn[9].

Vụ "Emil Ludwig kiện GK.Senshinsha và Jiro Hayasaka": Việc bảo hộ quyền tinh thần của tác giả đã được toà án Nhật Bản áp dụng theo Luật Bản quyền tác giả năm 1899. Trong trường hợp này, nguyên đơn mang quốc tịch Thuỵ Sỹ, công bố cuốn sách có tiêu đề "Juli’s 14" (Ngày 14 tháng 7) ở Đức vào năm 1929. Cả Thuỵ Sỹ và Đức đền là thành viên của Công ước Berne. Bị đơn Senshinsha đã công bố trái phép cuốn sách dịch tiếng Nhật của nguyên đơn bởi đồng bị đơn Jiro Hayasaka với tiêu đề Darega sekataisen o seizoshitaka, nghĩa là "Người tạo nên cuộc chiến thế giới". Toà án đã nhận định rằng cuốn sách của nguyên đơn là được bảo hộ tại Nhật Bản và nguyên đơn nắm giữ quyền dịch thuật theo Công ước Berne, bị đơn đã vi phạm quyền bảo toàn toàn vẹn tác phẩm và tuyên nguyên đơn được bồi thường tổn thất về tinh thần 100 yên do hành vi vi phạm của bị đơn và 116,2 yên phí sử dụng tác phẩm cho quyền dịch tác phẩm[10].

II. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỚI HÀNH VI XÂM PHẠM NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ

1. Cơ sở pháp lý

Nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ bởi Luật Nhãn hiệu hàng hoá số 127 năm 1959. Mục đích của Luật Nhãn hiệu hàng hoá là bảo vệ uy tín đã được sử dụng nổi tiếng hoặc lâu đời được tôn trọng như nhãn hiệu hàng hoá[11]. Luật nhãn hiệu hàng hoá được sửa đổi nhiều lần vào các năm 1964, 1975, 1989, 1991, 1994 và hai lần sửa cuối là vào năm 1996 và năm 2002.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá thì nhãn hiệu hàng hoá là các chữ, hình vẽ, các dấu hiệu hoặc hình khối hoặc là các sự kết hợp tất cả các yếu tố trên và màu sắc, thuộc vào một trong các loại sau đây:

- Loại mà một người với tư cách là một nhà kinh doanh, một nhà sản xuất, một người gia công chứng thực hoặc chuyển nhượng sản phẩm đã sử dụng sản phẩm này.

- Loại mà một người với tư cách là một nhà kinh doanh, một người thực hiện hoặc chứng thực dịch vụ sử dụng với dịch vụ này.

Luật nhãn hiệu hàng hoá sửa đổi năm 1991 đã quy định nhãn hiệu dịch vụ cũng có thể được đăng ký như là nhãn hiệu hàng hoá, Luật nhãn hiệu hàng hoá sửa đổi năm 1996 quy định sản phẩm hình khối hoặc bao gói sẵn cũng được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

2. Xác định hành vi vi phạm

Sự bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hoá là không giới hạn chỉ với việc đăng ký vào sổ đơn giản. Người không có quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trên nhãn mác mặt hàng đã đăng ký được xem là một dạng vi phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hoá, thông thường là giả mạo. Cách vi phạm thông thường khác là sử dụng nhãn hiệu tương tự hoặc hàng hoá tương tự. Cách vi phạm thường xuyên nhất là sử dụng nhãn hiệu hoặc hàng hoá đồng dạng.

"Một nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký thì người đăng ký sẽ có quyền tuyệt đối để sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình đối với sản phẩm và dịch vụ đã được đặt tên trong đơn xin đăng ký"[12].Điều 37 Luật Nhãn hiệu hàng hoá đã liệt kê hành vi được coi là xâm hại quyền nhãn hiệu hàng hoá hoặc quyền sử dụng tuyệt đối có liên quan là: "Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tương tự với nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký; Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá tương tự với sản phẩm hoặc dịch vụ đã được đặt tên; Sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký hoặc nhãn hiệu hàng hoá tương tự với một sản phẩm hoặc dịch vụ giống với sản phẩm, dịch vụ đã được đặt tên". Thuật ngữ "sử dụng" được bao gồm việc gắn nhãn hiệu đó với sản phẩm hoặc bao bì gói sẵn, bán sản phẩm có nhãn hiệu đó hoặc sử dụnghay thể hiện nhãn hiệu đó khi đưa ra các dịch vụ[13].

Chính vì vậy, trong một vụ kiện về xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu của bị đơn được so sánh với nhãn hiệu đã đăng ký của nguyên đơn để xác định liệu nhãn hiệu hàng hoá sau có giống với nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký trước không, và các dịch vụ hoặc sản phẩm của bị đơn được so sánh với các dịch vụ hoặc sản phẩm đã được đặt tên của nguyên đơn để tìm ra liệu việc sử dụng của bị đơn về một nhãn hiệu giống hoặc tương tự đối với sản phẩm và dịch vụ của nguyên đơn có khả năng tạo ra sự nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được.Để tìm ra vi phạm cần tiến hành hai bươc so sánh: Trước hết, phải so sánh nhãn hiệu của bị đơn với nhãn hiệu đã đăng ký của nguyên đơn, và thứ hai là, phải so sánh các dịch vụ hoặc sản phẩm của bị đơn với các sản phẩm hoặc dịhc vụ đã được đặt tên của nguyên đơn. Trong bước thứ nhất, nếu nhãn hiệu hàng hoá của một phần đặc biệt, một phần mô tả hoặc một phần không đặc biệt. Chỉ nên xem xét đến phần đặc biệt. Việc tương tự giữa hai nhãn hiệu hàng hoá cần phải được xem xét về hình dáng bên ngoài (gaikan), tên gọi (shoko), và ý nghĩa (kannen) với quan điểm của thị trường tiêu dùng, như trong việc so sánh một nhãn hiệu hàng hoá đang nộp đơn xin đăng ký với mọi nhãn hiệu hàng hoá có xung đột của các nhà thẩm tra của Văn phòng Sáng chế.

Một vụ điển hình là vụ Công ty Lee Sen Ming kiện Sankyo seiko K.K. Trong vụ này, nguyên đơn là một Công ty Singapore, là chủ sở hữu của một nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký có chữ “Crocodile” (cá sấu) và trang trí hình con cá sấu trong một số loại quần áo khác nhau. Bị đơn, Sankyo seiko là một nhà phân phối về quần áo thể thao tại Nhật Bản có mang nhãn hiệu “LACOSTE” được sản xuất theo giấy phép của La Chemise Lacoste. Nhãn hiệu LACOSTE là một tập hợp bao gồm hình vẽ con cá sấu và chữ LACOSTE. Trong vụ kiện về sự vi phạm này của Lee Sen Ming, Toà án cho rằng nhãn hiệu LACOSTE do bị đơn sử dụng là không giống với nhãn hiệu hàng hoá đã đăng ký của nguyên đơn về hình dáng bên ngoài, tên gọi và ý nghĩa, và đã bác bỏ vụ kiện đó, đứng về phía nhà phân phối sản phẩm LACOSTE. Toà án lưu ý rằng, tại thời điểm nguyên đơn nộp đơn xin cấp đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, có tồn tại một số nhãn hiệu hàng hoá bao gồm những từ của Nhật Bản như Wani là sự thể hiện của hai từ “crocodile” (cá sấu) và “alligator” (cá sấu), không có sự phân biệt giữa hai từ này hoặc trong tiếng Anh “crocodile” hoặc “alligator” hoặc hình dáng của Wani, và Toà án đã quyết định rằng chỉ có một yếu tố đặc biệt trong nhãn hiệu hàng hoá củ nguyên đơn là một tập thể hợp bao gồm chữ “crocodile” và hình vẽ của con cá sấu.

Khi có sự giống nhau giữa nhãn hiệu hàng hoá của bị đơn và nguyên đơn, thì bước thứ hia của sự so sánh bắt buộc phải tiến hành. Chúng ta hãy xem xét một vụ có liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng “VOGUE” về một tạp chí mốt được lưu hành trên toàn thế giới do Nhà xuất bản Conde Naste tại New York xuất bản. Tên của báo và tạp chí được bảo hộ bởi bản quyền. Để đảm bảo được sự bảo hộ một cách rộng hơn, Conde Naste đã bảo đảm việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của mình đối với quần áo và những quần áo lót khác vào năm 1983. Trong vụ Nhà xuất bản Conde Naste kiện Young Sangyo K.K, Conde Naste đã kiện Young Sango, người bán dây thắt lưng, mepớ khuy giày ủng, túi sách đã mang nhãn hiệu hàng hoá có từ “VOGUE” và một tập hợp “VOGUE” với những từ khác như “VOGUESPORT-IVO”, “SUNSEAVOGUE” và “CASE VOGUE”. Mặc dù là Conde Naste không tiến hành các công việc kinh doanh tương tự như Young Sangyo, Toà án đã giải thích theo nghĩa rộng là sẽ có sự nhầm lẫn và đã đưa ra một quyết định đứng về phía Conde Naste. Toà án tuyên rằng việc sản phẩm của bị đơn mang nhãn hiệu hàng hoá này sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn trong thị trường tiêu dùng rằng bị đơn cũng thuộc một nhóm Công ty tham gia công việc kinh doanh theo giấy phép của Conde Naste[14].

3. Các biện pháp dân sự

Theo Luật nhãn hiệu hàng hoá biện pháp dân sự và hình sự đều có thể được áp dụng. Ba loại biện pháp dân sự gồm: lệnh của Toà (Điều 36), bồi thường thiệt hại (Điều 38) và khôi phục uy tín của nguyên đơn.

Khi có lệnh của tòa, nguyên đơn có thể yêu cầu chấm dứt bất cứ hành vi xâm phạm nào hoặc yêu cầu các hành vi nào ngăn chặn hành vi xâm phạm. Lệnh của tòa có thể được yêu cầu bằng một vụ kiện thông thường hoặc bằng một sự thỉnh cầu lệnh tạm thời được tòa quyết định trong một thời gian ngắn hơn.

Tiền bồi thường thiệt hại có thể được nguyên đơn yêu cầu , theo quy tắc thông thường của bồi thường thiệt hại, nguyên đơn phải chứng minh lỗi cố ý hoặc bất cẩn của bị đơn khi xâm phạm cũng như thiệt hại của nguyên đơn do hành vi xâm phạm đó gây ra. Trong trường hợp khó chứng minh lỗi của bị đơn, pháp luật có những điều khỏan đặc biệt liên quan đến chứng cứ.Người xâm phạm ít nhất cũng phải bị coi là đã vô ý xâm phạm[15].

4. Xác định thiệt hại

Điều 38 Luật Nhãn hiệu hàng hoá quy định cụ thể các phương pháp tính toán thiệt hại thực tế:

"1. Khi người xâm phạm với lỗi cố ý hay vô ý đã thu được lợi nhuận từ hành vi xâm phạm, khoản tiền lợi nhuận đó được coi như là khoản thiệt hại của nguyên đơn, người giữ nhãn hiệu thương mại hoặc người được lixăng độc quyền.

2. Nguyên đơn có thể yêu cầu người xâm phạm khỏan tiền bồi thường đối với thiệt hại mà anh ta đã duy trì liên tục tương đương với khoản mà anh ta thông thường có thể nhận đối với việc sử dụng nhãn thương mại đã được đăng ký.

3. Nguyên đơn có thể yêu cầu tiền bồi thường thiệt hại vượt quá khỏan tiền mà anh ta thông thường có thể nhận được từ việc sử dụng nhãn hiệu thương mại nhưng tòa có thể bỏ qua sự cố ý hay bất cẩn hiển nhiên về phía bên xâm phạm để xem xét quyết định khoản tiền bồi thường cho nguyên đơn".

Về các biện pháp để khôi phục danh tiếng của nguyên đơn, Điều 39 Luật nhãn hiệu thương mại đã giúp cho Điều 106 Luật Sáng chế có thể được áp dụng như sau:

”Theo yêu cầu của người sở hữu nhãn hiệu thương mại hoặc người được lixăng độc quyền, Tòa án có thể yêu cầu người xâm phạm tiến hành các biện pháp cần thiết để khoi phục lại danh tiếng kinh doanh, có thể được thay thế hoặc cộng thêm vào khỏan tiền bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, các biện pháp khôi phục danh tiếng của nguyên đơn sẽ không đương nhiênđược tòa tuyên trừ khi nó thực sự cần thiết để giúp cho nguyên đơn nguyên vẹn, chẳng hạn như lượng hàng hóa của bên xâm phạm ít hơn hoặc sự quảng cáo của bên xâm phạm ở cấp thấp hơn. Tòa án thường yêu cầu bị đơn đăng tin xin lỗi trên nhật báo sau khi xem xét cẩn thận lời lẽ để không tạo ra một gánh nặng quá mức cho bị đơn hay biến lời xin lỗi thành sự quảng cáo nhãn hiệu thương mại cho nguyên đơn.

Như vây, theo Điều 38 Luật Nhãn hiệu hàng hoá Nhật Bản quy định về suy đoán thiệt hại thì mức thiệt hại được tính bằng số lượng hàng hoá mang nhãn hiệu xâm hại nhân với lợi nhuận từ việc bán mặt hàng đó. Cách tính thiệt hại do hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hoá về cơ bản theo hai phương pháp đã trình bày ở Mục II.4. Tuy vậy, đây là nguyên tắc tính cơ bản nhất, thẩm phán còn căn cứ vào các tình tiết khác của vụ việc để xác định thiệt hại.

Đối với thiệt hại về tinh thần của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá, theo quy định của pháp luật Nhật Bản, tuỳ từng trường hợp, thẩm phán sẽ quyết định chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá có được bồi thường hay không. Trên thực tế trong trường hợp không tính toán được thiệt hại theo cách tính của Điều 38 Luật Nhãn hiệu hàng hoá thì chủ nhãn hiệu hàng hoá bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần. Ví dụ trong vụ tranh chấp giữa Công ty Chanel và vũ trường Chanel. Vì Chanel không kinh doanh vũ trường nên không thể xác định được thiệt hại thực tế của họ theo điều 38. Do vậy, toà án phải tính theo cách thức bồi thường thiệt hại về tinh thần vì việc xâm phạm này đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của họ.

5. Thực tiễn áp dụng

Trường hợp áp dụng phương pháp thứ hai

Nguyên đơn là người có quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá của mỹ phẩm và đang bán mỹ phẩm có mang nhãn hiệu hàng hoá ấy. Bị đơn đã dán biểu tượng tương tự như nhãn hiệu của nguyên đơn vào mỹ phẩm của mình và bán ra thị trường mà không xin phép nguyên đơn. Trong vụ này toà đã phán đoán rằng việc bị đơn dán biểu tượng tương tự như nhãn hiệu của nguyên đơn vào mỹ phẩm của mình để bán ra thị trường là xâm hại quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá của nguyên đơn. Và Toà đã tính mức bồi thường thiệt hại theo phương pháp thứ hai. Doanh thu tiền bán sản phẩm của bị đơn được nhận định là 13 triệu yên.

Phí sử dụng nhãn hiệu hàng hoá được xem xét dựa vào các yếu tố: Thứ nhất, nhãn hiệu hàng hoá của nguyên đơn là nhãn hiệu đã được biết đến rộng rãi trong lĩnh vực mỹ phẩm; Thứ hai, các sản phẩm có gắn nhãn hiệu hàng hoá ấy là các sản phẩm chủ lực của nguyên đơn; Thứ ba, nguyên đơn chưa hề cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu hàng hoá quan trọng của mình.

Trên cơ sở đó, Toà án đã thừa nhận tỷ suất sử dụng là 8%, cao hơn tỷ suất sử dụng nhãn hiệu hàng hoá trong ngành mỹ phẩm là 5%, mức bồi thường thiệt hại mà nguyên đơn nhận được là (13,000,000 x 0,08 = 1,040,000 yên).

Kết luận: Qua các phân tích ở trên có thể thấy Nhật Bản rất quan tâm đến việc xây dựng khung pháp luật nhằm khôi phục quyền lợi (bồi thường thiệt hại) cho các chủ thể trong các vụ việc bồi thường thiệt hại liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Quyền tác giả và nhãn hiệu hàng hóa là hai đối tượng thường xuyên bị xâm phạm trong đời sống kinh doanh hiện nay. Việc tìm hiểu các quy định trên của Nhật Bản sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật hiện hành của Việt Nam./.

Liên kết Xem thêm:

Công ty luật - Luật sư - Ly hôn - thủ tục ly hôn - sang tên sổ đỏ - tư vấn luật đất đai - tư vấn luật lao động - ly hôn đơn phương

 Tranh chấp quyền nuôi con -  Phân chia tài sản

LÊ THỊ HOÀNG THANH & TRƯƠNG HÔNG QUANG – Nghiên cứu viên, Ban NCPL Dân sự – Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp

Họ và tên
Email
Nội dung
Mã xác nhận
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên
  • Luật Sư Nguyễn Thiều Dương
  • Luật Sư Phạm Xuân Dương
  • Công chứng viên Trần Thị Thúy Hằng
  • Công chứng viên Nguyễn Đăng Đính
  • Công chứng viên Trịnh Thị Phương Thanh
  • Luật sư Vũ Hải Lý
  • Công chứng viên Ngô Thị Vân