Tội phạm trong lĩnh vực tin học
Sự phát triển của ngành tin học đã đem đến những đổi thay kỳ điệu trong đời sống xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển cao nhất thế giới trong lĩnh vực này với hàng chục triệu người sử dụng máy tính thường xuyên. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà những kẻ xấu có thể phá hoại, lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi. Bộ luật hình sự mới đây đã bổ sung một số điều luật mới qui định về tội phạm trong lĩnh vực này.

Sự phát triển của ngành tin học đã đem đến những đổi thay kỳ điệu trong đời sống xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển cao nhất thế giới trong lĩnh vực này với hàng chục triệu người sử dụng máy tính thường xuyên. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà những kẻ xấu có thể phá hoại, lừa đảo với nhiều hình thức tinh vi. Bộ luật hình sự mới đây đã bổ sung một số điều luật mới qui định về tội phạm trong lĩnh vực này. Những bổ sung về tội phạm trong lĩnh vực tin học đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Chúng ta cũng nên biết về những qui định này để phòng ngừa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Còn đối với những người có ý định không tốt, thì cũng nên biết để tránh. Tội phạm trên internet rất tinh vi, nguy hiểm, nên hình phạt cũng rất nặng ( ảnh minh họa) Hiện nay, có 5 tội danh sau đây liên quan đến lĩnh vực tin học. Đó là các tội : - Phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại. - Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng Internet. - Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng Internet - Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác - Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Giới thiệu khái quát : 1. Người nào cố ý phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số gây hậu quả nghiêm trọng thì có dấu hiệu phạm tội “phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”. Như vậy, đây phải là hành vi cố ý và gây họa quả nghiêm trọng. Mấy anh “Hacker” thường là đối tượng rất dễ dính vào tội này. Hình phạt cụ thể ra sao mời xem cuối bài viết này. 2. Người nào có hành vi : - Tự ý xoá, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số, - Ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số, - Hoặc các hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số, thì có dấu hiệu phạm vào tội “cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số”. Hình phạt cụ thể ra sao mời xem cuối bài viết này. 3. Người nào có hành vi : - Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật. - Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan,tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; - Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Thì có dấu hiệu phạm tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” Theo những qui định như trên, có thể thấy “bác” nào cứ sao chép vô tư bài vở của người khác trên mạng rồi phát tán là dễ “dính” vào hình sự lắm đó. Hình phạt cụ thể ra sao mời xem cuối bài viết này. 4. Người nào có các hành vi : - Cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển. - Can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; - Lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ của người khác, Thì có dấu hiệu phạm tội “truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác”. Nhiều người sử dụng internet mà không cẩn thận cũng dễ “dính” điều này lắm. Hình phạt cụ thể ra sao mời xem cuối bài viết này. 5. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây : - Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; - Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; - Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; - Các hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thì có dấu hiệu phạm vào tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Nếu quí vị nào bị lừa bởi các hình thức trên cần viết đơn tố cáo gửi công an. Kẻ xấu chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự. Tội này có mức hình phạt rất nặng. Cụ thể ra sao mời xem cuối bài viết này. ------------------------------------- Qui định của pháp luật : Tội phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số 1. Người nào cố ý phát tán vi rút, chương trình tin học có tính năng gây hại cho mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng; b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 226a của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Tự ý xoá, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu thiết bị số; b) Ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số; c) Hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng; b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này; b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác 1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Thu lợi bất chính lớn; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm: a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ an ninh, quốc phòng; b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông; c) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” ( Theo các điều 224, 225, 226, 226a và 226b Bộ luật hình sự)

Full name
Email
Content
Verify comfirm code
Web link
Đội ngũ luật sư, Công chứng viên